Đau Nhức Xương Khớp Khi Thay Đổi Thời Tiết Chữa Trị Thế Nào?
Đau nhức xương khớp khi thay đổi thời tiết là vấn đề thường gặp ở người trung niên và cao tuổi. Cảm giác đau không chỉ làm suy giảm khả năng vận động mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng tới giấc ngủ và sức khỏe tổng thể. Do đó, hãy cùng tìm hiểu nguyên nhân, triệu chứng và cách khắc phục tình trạng trên để chủ động bảo vệ sức khỏe.
Lý giải nguyên nhân gây đau nhức xương khớp khi thời tiết thay đổi
Các nhà khoa học đã tìm ra mối liên quan giữa tình trạng đau xương khớp và yếu tố thời tiết. Cụ thể, khi áp suất không khí thay đổi sẽ gây áp lực lên các khớp xương. Từ đó làm cho khớp bị co cứng và xuất hiện cảm giác đau, đặc biệt là với những người đang có bệnh lý về xương khớp.
Ở đối tượng trung niên và người cao tuổi, lớp sụn bao phủ xương bên trong khớp bị bào mòn dần. Bởi vậy mà các dây thần kinh trong xương có thể cảm nhận được những thay đổi của áp suất dù là nhỏ nhất. Bên cạnh đó, áp suất khí quyển thay đổi cũng là yếu tố khiến gân, cơ và các mô sẹo bị giãn ra và co lại liên tục, gây nên triệu chứng đau khớp.
Ngoài ra, khi nhiệt độ hạ thấp kèm độ ẩm cao cũng làm cho chất lỏng bên trong khớp cô đặc hơn. Cũng từ đó mà tình trạng khô khớp, cứng khớp có thể xuất hiện.
Như vậy, thời tiết chính là yếu tố làm tăng nguy cơ xuất hiện của các cơn đau khớp cấp. Các vị trí đau nhức xương khớp do thời tiết thay đổi thường gặp nhất chính là vai gáy, đầu gối và bàn tay.
Tình trạng đau nhức xương khớp khi thay đổi thời tiết có thể xuất hiện ở mọi đối tượng, mọi lứa tuổi. Tuy nhiên, người trung niên, người cao tuổi và những người thường xuyên lao động nặng nhọc có nguy cơ bị nhiều hơn. Bởi xương khớp của họ phải chịu nhiều áp lực. Nếu không sớm áp dụng các biện pháp chăm sóc và điều trị tích cực chắc chắn tình trạng này sẽ tiến triển nặng.
4 triệu chứng đau nhức xương khớp khi thay đổi thời tiết
Khi bị đau nhức xương khớp khi thay đổi thời tiết, người bệnh thường có các triệu chứng như sau:
- Sưng to, tê buốt các khớp tại vị trí vai gáy, đầu gối hoặc khớp cổ tay.
- Cứng khớp thường xuyên, nhất là khi vừa thức dậy vào buổi sáng sớm.
- Xuất hiện cảm giác ngứa ngáy hoặc đau nhói ở trong khớp, xương.
- Vận động khó khăn hơn so với thường ngày.
Lưu ý: Các triệu chứng trên cần được khắc phục ngay, tình trạng đau nhức xương khớp do thời tiết thay đổi hoàn toàn có thể tiến triển nặng thành bệnh mãn tính.
Đau nhức xương khớp khi thời tiết thay đổi: Biện pháp khắc phục
Đau nhức các khớp xương mỗi khi trái gió trở trời là nỗi ám ảnh của rất nhiều người. Bệnh này sẽ kéo dài dai dẳng, rất dễ tái phát và xuất hiện nhiều lần. Do đó, người bệnh cần phải có biện pháp khắc phục ngay.
Để đẩy lùi những cơn đau nhức, bạn có thể áp dụng bằng một số mẹo dân gian hoặc biện pháp Tây y.
Mẹo dân gian giảm đau xương khớp do thời tiết
Trường hợp đau xương khớp ở mức độ nhẹ và muốn khắc phục tạm thời, người bệnh có thể áp dụng một số mẹo giảm đau dân gian. Cách này thường sử dụng những nguyên liệu tự nhiên, có tác dụng giảm đau, giảm sưng và kháng viêm như ngải cứu, gừng, đu đủ, lá lốt, mật ong,… Do đó mà triệu chứng đau nhức có thể được đẩy lùi một cách hiệu quả và an toàn.
Sau đây cách thực hiện một số mẹo dân gian giúp giảm đau nhức xương khớp tại nhà mà bạn có thể tham khảo:
- Chườm lá ngải cứu: Lấy một nắm lá ngải cứu rửa sạch, cho vào bát, đổ thêm nước nóng và một chút muối trắng. Vắt sạch nước và chườm lá ngải cứu còn nóng vào khớp bị đau. Hơi ấm sẽ giúp tình trạng sưng, đau thuyên giảm đáng kể.
- Ngâm chân hoặc tay bằng nước muối ấm pha gừng: Nếu cơn đau khớp xuất hiện tại vị trí cổ tay hoặc cổ chân, bạn có thể áp dụng cách này. Cụ thể, pha muối và gừng với nước ấm và ngâm trong vòng 15 – 30 phút vào mỗi buổi tối trước khi đi ngủ. Cách làm này cũng sẽ giúp bạn ngủ ngon ngon giấc hơn.
- Sắc nước lá lốt uống: Dùng 5 – 10g lá lốt phơi khô hoặc 15 – 30g lá lốt tươi sắc với 2 bát. Đến khi nước thuốc cô đặc còn ½ bát thì dùng để uống trong ngày. Bạn nên uống nước lá lốt khi còn ấm và sau mỗi bữa ăn tối, liệu trình uống kéo dài 10 ngày để giảm đau khớp hiệu quả.
- Sắc nước cỏ trinh nữ để uống: Cỏ trinh nữ có tác dụng chữa thấp khớp, đau lưng, tê bì chân tay và đau nhức xương khớp cực tốt. Bạn hãy sử dụng 20 – 30g rễ trinh nữ đã thái mỏng, mang đi tẩm rượu và sao cho thơm rồi sắc với 400ml nước. Khi nước thuốc cô đặc còn 100ml, hãy uống làm 2 lần trong ngày để giảm đau khớp xương.
- Uống nước mật ong và bột quế: Lấy hai thìa mật ong và một muỗng nhỏ bột quế pha cùng một cốc nước ấm và uống. Mỗi ngày, uống 2 cốc này để giảm đau khớp và đẩy lùi triệu chứng viêm khớp mãn tính.
Điều trị bằng Tây y
Thông thường, các cơn đau nhức xương khớp khi thay đổi thời tiết có thể được kiểm soát bằng thuốc Tây y. Tuy nhiên, người bệnh cần có hướng dẫn cụ thể từ bác sĩ về cách dùng và liều dùng.
Một số loại thuốc thường được sử dụng để giảm triệu chứng đau nhức xương khớp bao gồm:
- Thuốc giảm đau, chống viêm thông thường: Paracetamol, Acetaminophen.
- Thuốc kháng viêm không chứa Steroid: Diclofenac, Indomethacin, Ibuprofen, Celecoxib.
- Thuốc chống viêm nhóm Corticoid: Prednisone, Hydrocortisone.
- Thuốc giảm đau gây nghiện: Morphine, Pethidine, Codein.
- Thuốc giãn cơ: Metaxalone, Cyclobenzaprine.
- Thuốc giảm đau thần kinh trung ương: Gabapentin.
Đối với người bệnh viêm khớp và thường xuyên đau nhức xương khớp khi trời chuyển lạnh cần tìm các biện pháp điều trị tích cực hơn việc dùng thuốc. Các biện pháp ngoại khoa có thể được cân nhắc áp dụng như thay khớp háng, khớp gối, khớp vai hoặc các khớp nhỏ hơn như khớp bàn ngón tay và ngón chân. Tùy thuộc vào kết quả thăm khám mà bác sĩ sẽ đưa ra phương án điều trị phù hợp.
Lưu ý khi bị đau nhức xương khớp do thời tiết
Những người thường xuyên bị đau nhức xương khớp mỗi khi thời tiết thay đổi, đặc biệt là đối tượng mắc viêm khớp, thoái hóa khớp cần lưu ý một số vấn đề sau:
- Giữ ấm cơ thể mỗi khi nhiệt độ không khí giảm, nhất là vào mùa đông lạnh giá. Hãy mặc quần áo ấm, đi tất tay, tất chân khi ra ngoài và chỉ tắm với nước ấm.
- Tắm trong bồn tắm có pha sáp paraffin để làm dịu các cơn đau nhức khớp hoặc lấy một miếng đệm ấm và đặt lên các vị trí đau.
- Duy trì đều đặn thói quen thể dục thể thao để rèn luyện sức khỏe xương khớp và cân bằng trọng lượng của cơ thể. Tuy nhiên, chỉ nên thực hiện các bài tập thể dục nhẹ nhàng, chẳng hạn như đi bộ, bơi lội hoặc yoga.
- Không tập thể dục khi thời tiết chuyển lạnh.
- Tuyệt đối không bê vác nặng, tập luyện thể dục thể thao quá sức bởi điều này tạo áp lực lớn cho các khớp.
- Uống nhiều nước lọc, nước trái cây hoặc các loại đồ uống có các chất điện giải như muối khoáng và kali khi thời tiết oi nóng.
- Nâng cao sức khỏe tổng thể bằng cách ăn ngủ đủ giấc, bổ sung đa dạng các nhóm dưỡng chất.
- Ăn nhiều rau xanh, hoa quả và thực phẩm giàu canxi sẽ giúp nâng cao sức khỏe tổng thể, giảm thiểu nguy cơ loãng xương hiệu quả, nhất là ở độ tuổi trung niên.
- Hạn chế sử dụng rượu bia, thuốc lá, đồ cay nóng, thực phẩm chiên rán,… Chúng đều là tác nhân khiến xương khớp nhanh chóng xuống cấp hơn.
- Có thể sử dụng thêm một số thực phẩm chức năng có các thành phần an toàn, giúp tăng cường sức khỏe xương khớp.
Tình trạng đau nhức xương khớp khi thay đổi thời tiết cần được khắc phục sớm. Người bệnh nên tới các cơ sở y tế uy tín để thăm khám và nhận phác đồ điều trị phù hợp. Từ đó, hạn chế tối đa nguy cơ bệnh tiến triển nặng, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!