Viêm Đa Khớp: Nguyên Nhân, Dấu Hiệu, Cách Chữa Trị Hiệu Quả
Viêm đa khớp là một bệnh lý về xương khớp khá phổ biến hiện nay. Khi mắc phải căn bệnh này, bạn sẽ bị đau nhức và sưng viêm tại nhiều vị trí khớp khác nhau trên cơ thể. Điều này gây ảnh hưởng tới sức khỏe và cản trở việc vận động của người bệnh. Vậy nguyên nhân, triệu chứng của bệnh viêm đa khớp là gì? Điều trị và phòng ngừa bệnh lý này như thế nào? Hãy cùng tìm hiểu!
Định nghĩa bệnh viêm đa khớp
Bệnh viêm đa khớp có tên tiếng Anh là Polyarthritis. Đây là một căn bệnh xương khớp thường gặp, gây ra những cơn đau nhức ở nhiều khu vực khớp khác nhau trên cơ thể. Bệnh lý này thường xảy ra ở những vùng khớp nhỏ như khớp ngón tay, khớp cổ tay, khớp bàn tay, khớp khuỷu tay, khớp đầu gối, khớp vai, khớp ngón chân,…
Viêm đa khớp có thể gây ra những cơn đau mỏi dữ đội và làm ảnh hưởng trực tiếp tới cuộc sống sinh hoạt hàng ngày của người bệnh. Bệnh lý xương khớp này xảy ra chủ yếu ở những người trung niên và người cao tuổi. Trong đó nữ giới có xu hướng mắc phải căn bệnh này cao hơn so với nam giới.
Viêm đa khớp có thể xuất phát từ nhiều bệnh lý viêm khớp khác nhau như: Viêm khớp vảy nến, viêm khớp dạng thấp, lupus ban đỏ, đau cơ xơ hóa, viêm khớp tự phát thiếu niên thể đa khớp. Bệnh thường xuất hiện từng đợt cấp tính và cũng có thể phát triển thành thể mạn tính nếu không được can thiệp điều trị từ sớm.
Nguyên nhân bệnh viêm đa khớp
Có rất nhiều nguyên nhân gây ra bệnh viêm đa khớp, có thể kể đến như:
- Bệnh nhân bị các bệnh viêm khớp không đối xứng như bệnh gout, vảy nến.
- Khớp bị nhiễm trùng do các loại virus gây ra như: Parvovirus, virus viêm gan, virus quai bị, virus Ross River, virus bệnh sởi và virus HIV.
- Do mắc phải các bệnh chuyển hóa như bệnh suy gan, suy thận, thống phong giả.
- Do người bệnh bị thoái hóa cấu trúc xương khớp.
- Bị mắc các bệnh nhiễm trùng như: Bệnh lao, bệnh Lyme, bệnh Well, bệnh Whipple.
- Do người bệnh mắc các bệnh về nội tiết.
- Do mắc các bệnh viêm mạch máu, viêm khớp tế bào làm cản trở lưu thông máu trong động mạch.
Đối tượng bị viêm đa khớp
Dưới đây là những đối tượng dễ bị mắc phải căn bệnh viêm đa khớp:
- Người thường xuyên sử dụng thuốc lá, rượu bia, cà phê, chất kích thích
- Người cao tuổi dễ bị mắc căn bệnh này hơn những người trẻ.
- Nữ giới là nhóm đối tượng bị mắc bệnh nhiều hơn nam giới.
- Người mà trong gia đình có ông bà cha mẹ từng bị viêm đa khớp hoặc các bệnh lý xương khớp khác.
Triệu chứng bệnh viêm đa khớp
Những triệu chứng phổ biến của bệnh viêm đa khớp rất đa dạng, người bệnh cần chú ý quan sát và theo dõi sức khỏe của mình để kịp thời phát hiện và điều trị:
- Người bệnh bị đau và sưng viêm ở các khớp.
- Tình trạng sưng đau xuất hiện tại 4-5 vị trí khớp trên cơ thể hoặc nhiều hơn.
- Vùng khớp bị sưng đỏ, nóng.
- Cứng khớp vào buổi sáng, khó cử động, tình trạng này thường kéo dài hơn 1 giờ đồng hồ.
- Một số người gặp phải hiện tượng sốt âm ỉ.
- Người bệnh bị xanh xao, sụt cân, mệt mỏi, suy nhược, ra nhiều mồ hôi.
- Vùng đầu của các chi bị thường xuyên bị tê.
- Người bệnh có thể bị phát ban và đau họng.
- Các khớp xương bị viêm có tính chất đối xứng. Ví dụ đau hai bên đầu gối, hai bên cổ tay, khuỷu tay,…
Biến chứng viêm đa khớp
Bệnh viêm đa khớp nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời sẽ gây ra một số biến chứng nguy hiểm như:
- Cứng khớp, dính khớp, teo cơ, khiến người bệnh cảm thấy đau đớn.
- Co quắp vùng khớp, khiến chân tay bị biến dạng.
- Ảnh hưởng tới hệ thần kinh, da, mắt, tim mạch, phổi. Từ đó gây ra tình trạng suy tim, xơ vữa động mạch, suy tim, đau tim, đột quỵ, khô mắt, viêm lòng trắng mắt, viêm kết mạc, phát ban, khó thở, ho mãn tính,…
- Tụ mỡ ở mặt và lưng, mỏng da, teo cơ, mệt mỏi.
- Nữ giới bị viêm đa khớp rất khó để mang thai.
- Người bệnh có thể bị trầm cảm, rối loạn thần kinh.
- Nguy hiểm hơn có thể gây bại liệt và tàn tật suốt đời.
Chẩn đoán viêm đa khớp
Khi xuất hiện các triệu chứng của bệnh viêm đa khớp, người bệnh cần đến gặp bác sĩ để được thăm khám và tìm ra nguyên nhân gây bệnh. Dưới đây là các bước chẩn đoán bệnh viêm đa khớp được tiến hành bởi bác sĩ chuyên khoa:
- Thăm khám lâm sàng dựa trên các dấu hiệu mà người bệnh gặp phải.
- Tiến hành điều tra lịch sử dịch tễ của bạn và các thành viên trong gia đình để tìm ra yếu tố di truyền.
- Kiểm tra chế độ ăn uống, sinh hoạt, loại thuốc hoặc thực phẩm chức năng mà người bệnh từng sử dụng để loại trừ nguyên nhân gây bệnh.
- Thực hiện các xét nghiệm máu, xét nghiệm nước tiểu, xét nghiệm dịch khớp để xác định dạng bệnh.
- Chụp X-quang để tìm đúng vị trí xương bị sưng viêm.
- Chụp cộng hưởng từ MRI để quan sát được các gân, sụn, dây chằng và xương.
- Nội soi khớp để xem xét những tổn thương trong ổ khớp.
Điều trị viêm đa khớp
Hiện nay vẫn chưa có loại thuốc tân dược nào có thể điều trị triệt để được căn bệnh này. Các phương pháp được chỉ định đều tập trung làm giảm các triệu chứng của bệnh, giúp kiểm soát tình trạng sưng đau, viêm tấy ở vùng khớp.
Dưới đây là một số phương pháp được sử dụng trong điều trị bệnh viêm đa khớp, bao gồm:
Dùng thuốc Tây y điều trị viêm đa khớp
Bác sĩ chuyên khoa sẽ chỉ định cho bạn sử dụng một số loại thuốc Tây y để làm giảm các triệu chứng của bệnh và phục hồi chức năng khớp. Dưới đây là một số loại thuốc phổ biến, thường có mặt trong các đơn thuốc của bác sĩ:
- Thuốc chống viêm NSAID không steroid: Bao gồm các thuốc aspirin, ibuprofen, naproxen, có tác dụng giúp giảm đau, kháng viêm, ức chế các enzym và protein gây viêm.
- Thuốc giảm đau: Bao gồm các thuốc tramadol, acetaminophen, oxycodone, hydrocodone, có tác dụng giúp giảm đau tức thì, cải thiện tình trạng sưng đỏ tại các khớp.
- Thuốc ức chế miễn dịch (DMARDs): Bao gồm các loại thuốc như methotrexate, hydroxychloroquine, có tác dụng giúp ức chế miễn dịch, ngăn không cho hệ miễn dịch tự tấn công vào các xương khớp, thuốc có tác dụng giảm đau trong thời gian dài, làm chậm quá trình sưng viêm.
- Thuốc anti-TNF: Bao gồm các loại thuốc như etanercept và infliximab, có tác dụng giúp ngăn chặn tình trạng sưng viêm do bệnh viêm khớp dạng thấp gây ra.
- Liệu pháp sinh học: Bao gồm các loại thuốc như infliximab, etanercept, IL-6, TNF-alpha hay IL-17, có tác dụng làm chậm sự phát triển của bệnh viêm đa khớp.
- Thuốc steroid: Bao gồm các loại thuốc corticosteroid, có tác dụng giảm viêm, ức chế phản ứng miễn dịch. Có thể sử dụng đường tiêm hoặc đường uống. Liều lượng quy định là 7.5mg steroid và chỉ nên dùng thuốc trong thời gian ngắn.
Các loại thuốc trị viêm đa khớp kể trên chỉ nên sử dụng theo chỉ dẫn của bác sĩ. Người bệnh không được lạm dụng để tránh làm ảnh hưởng đến sức khỏe của gan, thận, dạ dày, tim mạch.
Tập vật lý trị liệu
Phương pháp vật lý trị liệu có tác dụng giúp cải thiện khả năng vận động, củng cố sức mạnh của cơ bắp. Bác sĩ có thể chỉ định cho người bệnh mang nẹp hoặc niềng, chườm nóng, chườm lạnh hoặc massage theo chỉ định của bác sĩ để giúp làm giảm đau tại vị trí khớp bị tổn thương.
Cụ thể, người bệnh có thể áp dụng một số phương pháp vật lý trị liệu như sau:
- Nhiệt trị liệu: Sử dụng nhiệt để thúc đẩy lưu thông máu và chất dinh dưỡng đến các khớp, giúp giảm đau, chống viêm, phân tán chất trung gian gây viêm. Tuy nhiên phương pháp này không nên áp dụng cho những trường hợp bị sưng phù, tràn dịch khớp.
- Dùng sóng ngắn: Sử dụng các bước sóng ngắn để điều trị, chữa lành những tổn thương ở vùng xương khớp, giảm đau nhanh chóng. Phương pháp này thường áp dụng cho những trường hợp bị viêm đau khớp ở cổ tay, khuỷu tay, cổ, vai, chân, đầu gối…
- Dùng tia laser: Sử dụng ánh sáng đơn sắc từ máy laser để chiếu vào các huyệt trên vùng khớp bị bệnh để giúp giảm sưng viêm đau đớn. Phương pháp này rất an toàn, không gây đau và không bị nhiễm khuẩn.
- Dùng tia hồng ngoại: Sử dụng đèn hồng ngoại chiếu vào vị trí khớp bị tổn thương để ngăn ngừa các phản ứng viêm. Mặc dù mỗi lần điều trị vùng da bị bệnh thường bị ửng đỏ nhưng sau vài ngày sẽ được cải thiện.
Chữa viêm đa khớp bằng phương pháp phẫu thuật
Trường hợp người bệnh đã áp dụng các phương pháp điều trị trên nhưng không đạt được hiệu quả tích cực thì bác sĩ có thể đề nghị người bệnh thực hiện các phẫu thuật như sau:
- Phẫu thuật loại bỏ màng hoạt dịch bị sưng tấy, áp dụng cho những trường hợp bị viêm đa khớp ở ngón tay, cổ tay và bàn tay.
- Phẫu thuật thay thế khớp, giúp loại bỏ các khớp bị hư hỏng và dùng khớp nhân tạo để thay thế.
- Phẫu thuật hợp nhất khớp được thực hiện bằng cách loại bỏ hai đầu xương trong ổ khớp sau đó kết nối chúng với nhau cho đến khi hai đầu xương lành lại thành một thể hoàn chỉnh. Phương pháp này dùng cho những người bị viêm đa khớp ở các vùng khớp nhỏ như khớp ngón tay, cổ tay, mắt cá chân.
Điều trị tại nhà
Việc phối hợp điều trị bệnh viêm đa khớp tại nhà vô cùng quan trọng. Bởi nó sẽ quyết định tới quá trình chữa trị của bạn có hiệu quả hay không. Song song với việc áp dụng 1 trong 3 phương pháp trên, người bệnh cũng cần chú ý tới những điều sau:
- Tăng cường luyện tập thể dục
Để làm tăng hiệu quả điều trị, người bệnh nên kết hợp với một số bài tập thể chất tại nhà để giúp bệnh nhanh được cải thiện. Ví dụ như đi bộ, đạp xe, chạy bộ, bơi lội, tập yoga. Tuy nhiên, để đạt được hiệu quả như mong đợi, người bệnh nên tham khảo những hướng dẫn của bác sĩ và chuyên gia vật lý trị liệu để lựa chọn được cho mình một bài tập phù hợp và hiệu quả. Mỗi ngày bạn cần dành ít nhất 30 phút để vận động, giúp xương khớp dẻo dai, khỏe mạnh.
- Cân bằng dinh dưỡng
Một thực đơn dinh dưỡng phù hợp sẽ giúp bạn duy trì được cân nặng phù hợp, phòng tránh được tình trạng béo phì, thừa cân. Từ đó làm giảm áp lực lên vùng xương khớp, chống đau nhức hiệu quả. Ngoài ra, việc tích cực sử dụng các thực phẩm giàu vitamin D, canxi, photpho, magie,… cũng sẽ giúp các sụn khớp được khỏe mạnh hơn.
- Nghỉ ngơi hợp lý
Người bệnh bị viêm đa khớp cần nghỉ ngơi hợp lý. Nên thả lỏng cơ thể khi nhận thấy có những dấu hiệu mệt mỏi, đau nhức khớp. Sau khi các khớp xương trở về trạng thái bình thường thì có thể làm việc trở lại.
- Chú trọng vào giấc ngủ
Một giấc ngủ kém chất lượng sẽ khiến tình trạng đau nhức xương khớp ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn. Vì thế bạn cần đi ngủ sớm và ngủ đủ 8 tiếng mỗi ngày để kiểm soát được tình trạng đau nhức xương khớp của mình.
Phòng tránh bệnh viêm đa khớp
Bệnh viêm đa khớp có thể xảy ra với bất kỳ ai. Vì vậy bạn cần chủ động phòng tránh căn bệnh này bằng cách thiết lập lại chế độ ăn uống sinh hoạt của mình. Dưới đây là một vài lưu ý người bệnh cần tham khảo thực hiện:
- Thường xuyên luyện tập thể dục thể thao bằng các bài tập vận động nhẹ nhàng, phù hợp với tình trạng sức khỏe của mình. Nam giới có thể tham khảo các bài tập như bơi lội, đạp xe, tập gym. Trong khi đó nữ giới có thể tập yoga, đi bộ, aerobic,…
- Không nên ngồi hoặc đứng quá lâu trong một tư thế, đặc biệt với nhóm đối tượng là nhân viên văn phòng. Bạn cần đứng lên đi lại vận động sau mỗi 1 giờ làm việc để giúp xương khớp được thư giãn.
- Nên duy trì chỉ số cân nặng ở mức phù hợp. Đối với những người bị thừa cân béo phì, bạn nên giảm cân càng sớm càng tốt để tránh gây áp lực cho vùng xương cột sống và các khớp.
- Không nên mang vác các vật nặng trong suốt thời gian dài. Điều này sẽ dẫn đến tình trạng xương khớp bị tổn thương và thoái hóa.
- Người bệnh nên ăn nhiều rau xanh, trái cây tươi và những thực phẩm chứa nhiều vitamin và khoáng chất để giúp xương khớp luôn khỏe mạnh. Một số loại thực phẩm người bệnh nên sử dụng như: Đậu phụ, xương ống, sữa, nấm, trái cây, rau xanh, cá hồi,…
- Hạn chế tiêu thụ những loại thực phẩm dễ gây ra tình trạng viêm khớp, sưng khớp như: Thịt đỏ, thịt đã qua chế biến, thực phẩm nhiều đường, muối, gia vị cay, nội tạng động vật, rượu, bia, thuốc lá, chất kích thích,….
- Từ bỏ những thói quen xấu như ngồi gù lưng, bẻ ngón tay, ngón chân,… để ngăn ngừa nguy cơ mắc bệnh về xương khớp ở các bộ phận này.
- Nên giữ ấm cơ thể vào mùa đông hoặc các thời điểm giao mùa. Cụ thể người bệnh nên mặc quần áo ấm, mang găng tay, tất chân, túi sưởi để bảo vệ xương khớp khỏi những mối nguy hại do thời tiết lạnh gây ra.
- Nên có thói quen tắm nắng mỗi ngày 15-20 phút để bổ sung vitamin D cho xương khớp. Thời điểm thích hợp để bạn tắm nắng là từ 6-9h sáng mỗi ngày. Vì lúc này ánh nắng mặt trời không quá gắt và lượng tia cực tím vẫn ở mức an toàn. Lưu ý khi tắm nắng bạn không nên dùng khẩu trang, mũ, nón hoặc kem chống nắng.
- Nên đi khám bác sĩ ngay khi nhận thấy những dấu hiệu bất thường của xương khớp. Việc điều trị bệnh từ sớm sẽ giúp tránh được nguy cơ bị các bệnh mãn tính khác.
Trên đây là những thông tin khá chi tiết về bệnh viêm đa khớp mà người bệnh nên tham khảo. Hy vọng thông qua những chia sẻ này, bạn có thể nắm rõ được các nguyên nhân, dấu hiệu của bệnh và tìm ra được giải pháp điều trị phù hợp. Cuối cùng, bạn nên đến bệnh viện để kiểm tra sức khỏe thường xuyên để kịp thời phát hiện những dấu hiệu bất thường của xương khớp, tránh để bệnh diễn biến thành thể mãn tính sẽ rất khó chữa trị.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!